- Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung được coi là bộ tiểu thuyết chương hồi xuất sắc nhất Trung Quốc. Tác phẩm đã tái hiện một bức tranh vô cùng sinh động về Trung Hoa trong thời kì loạn lạc này. Nổi bật lên trên bức tranh đa dạng ấy là hình ảnh Gia Cát Lượng - một nhân vật được coi như một vị thánh sống hội tụ đủ cả tài và đức. Trong lịch sử Trung Quốc, hiếm ai được nhắc tới toàn vẹn như Gia Cát Lượng. Không chỉ toàn vẹn cả về tài năng, tính cách, nhân phẩm, ngay cả vẻ ngoài thôi cũng nói lên Gia Cát Lượng quả là một con người phi phàm.
Cuộc đời của Gia Cát Lượng khá nhiều biến động. Ông quê ở quận Lang Gia, thuộc dòng dõi quan tư lệ hiệu úy Gia Cát Phong nhà Hán. Tuy gia đình phú quý, cha ông làm quan ở quận Thái Sơn nhưng ông sớm mất cha. Ông theo người chú Gia Cát Huyền đến nhờ Lưu Biểu. Nhưng chẳng bao lâu chú ông cũng qua đời, anh trai ông là Gia Cát Cẩn sang Đông Ngô giúp Tôn Sách, ông phải cùng em là Gia Cát Quân về cày ruộng ở Nam Dương, cất nhà tranh ở đồi Ngọa Long Cương, vì vậy lấy hiệu là " Ngọa Long tiên sinh ". Năm ông 27 tuổi được Lưu Bị " tam cố thảo lư ", mời ông mời ông ra giúp việc nước. Gia Cát Lượng nhận lời xuất sơn, bắt đầu dụng binh tại đồi Bác Vọng, trải qua bao năm Nam Chinh Bắc Chiến, cuối cùng ông mất tại Ngũ Nguyên Trượng, khi mới 54 tuổi. Chính trong cuộc đời đầy biến động này, Khổng Minh đã thể hiện tài năng sáng như trăng rằm và nhân cách đẹp như ngọc thạch của ông.
Người tài trí thời Tam Quốc quả thực nhiều như sao trên trời. Xét lịch sử Trung Quốc cổ kim mà hỏi rằng : bày mưu trong màn trướng, quyết thắng ngoài ngàn dặm, có mấy ai được như Từ Thứ, Bàng Thống ? Hành quân dụng binh như Chu Du, Lục Tốn, Tư Mã Ý đã được bao người ? Giỏi luận việc như Quách Gia, Trình Dục, Tuân Húc, Giả Hủ, đâu dễ có nhiều ? Lại có nhưng người tài cao mà ẩn mình như Thạch Quảng Nguyên, Thôi Châu Bình, Mạnh Công Uy, hay những người trí dũng kiêm toàn như Khương Duy, Đặng Ngải. Nhưng nổi bật lên trên bầu trời đầy sao đó là mặt trăng rằm sáng vằng vặc, làm mờ đi tất cả bao vì sao kia. Đó chính là Gia Cát Lượng.
Trình Dục cũng là một tướng tài, vậy mà khi Tào Tháo hỏi tài của Từ Thứ so với Trình Dục như thế nào, Trình Dục nói " còn gấp mười lần tôi ". Chỉ một câu nói đó thôi cũng đủ thấy tài Từ Thứ ra sao. Vậy mà Từ Thứ lại nói về Khổng Minh : " Đem tôi mà so với người ấy khác gì đem ngựa hèn so với Kỳ Lân, lấy quạ khoang mà sánh cùng loan phượng ? ". Tư Mã Huy thì nói : " trong hai người Phục Long, Phượng Sồ mà cầu được một thì có thể an định thiên hạ " , còn nói : " Khổng Minh không đáng ví với Quản, Nhạc, mà phải ví với Khương Tử Nha, người đã gây cơ nghiệp tám trăm năm cho nhà Chu, và Trương Tử Phòng, người đã mở cơ nghiệp bốn trăm năm cho nhà Hán". Từ khi chưa xuất hiện, chỉ bằng lời kể của các nhân vật khác chúng ta đã thấy được hình ảnh Gia Cát Lượng hiện lên như một bậc thần tiên.
Ngay từ những thú vui giản dị khi còn quy ẩn, Khổng Minh cũng thể hiện mình thật hơn người. Ông là một nhà thi sĩ tài hoa với tập thơ Lương Phủ Ngâm tuyệt diệu. Ông gảy đàn thì " tay tả thoăn thoát so phím đàn, tay hữu nhẹ nhàng búng dây tơ tanh tách ", " tiếng đàn lúc khoan, lúc mau, khi trầm, khi bổng ". Thử hỏi mấy ai làm ruộng mà nho nhã được đến thế ?
Khi xuất sơn, ông càng chứng tỏ mình là một vầng trăng sáng trên bầu trời đầy sao kia.
Như một nhà chiêm tinh tài ba, chỉ quan sát thiên văn mà Gia Cát Lượng không những biết được thời tiết mà còn đoán được số mệnh con người và vận mệnh đất nước. Ông biết trước sương mù sẽ phủ kín mặt sông nên mới mượn được 10 vạn mũi tên của địch, biết gió Đông sẽ thổi từ ngày Giáp Tí 20 đến ngày Bính Dần 22 tháng 11 thì mới đánh bại được quân Tào. Cũng nhờ xem sao mà ông biết trời sẽ mưa dầm, không đánh mà khiến Tư Mã Ý phải rút quân. Ngoài ra số phận sống chết của con người ông chỉ xem thiên văn mà biết cả. Quan Vũ, Bàng Thống, mất tin báo còn chưa về, ông chỉ cần quan sát thiên văn là biết. Gia Cát Lượng quả thực là một nhà chiêm tinh hiếm có, đặc biệt là trong thời còn khá lạc hậu này.
Nhờ hiểu địa lý mà Gia Cát Lượng thắng biết bao trận, đặc biệt nhất là trận hãm cha con Tư Mã Ý trong hang Thượng Phương. Đáng tiếc địa lôi của người không chống lại được thiên lôi của trời, nếu không thì chắc chắn sẽ chẳng còn nhà Tấn sau này nữa !
Gia Cát Lượng còn là người " thấu nhân tình ". Ông hiểu rõ đánh thắng quân Nam Man thì dễ, làm người Nam Man phục mới khó, vì vậy ông phải bảy lần bắt, rồi bảy lần tha vua Man, làm nên sự tích " Thất cầm Mạnh Hoạch". Ông biết rõ Ngụy Diên sẽ có ngày làm phản nên đã bày mưu sẵn để trừ Ngụy Diên. Lòng quân khi nào hăng đánh, khi nào trễ nải ông cũng biết cả. Nhà quân sự giỏi thời phong kiến Trung Quốc thì không hiếm, nhưng nhà quân sự mà trên thông thiên văn, dưới thường địa lý, giữa thấu nhân tình như Khổng Minh thì có được mấy người ?
Gia Cát Lượng cũng nổi tiếng vì tài hùng biện. Một mình ông khẩu chiến đánh bại tòan bộ hơn hai mươi quan văn của Đông Ngô, rồi khích được cả Tôn Quyền lẫn Chu Du đánh Tào Tháo. Chỉ bằng lời nói mà ông có thể mắng chết được cả Vương Lãng, đúng là hiếm có trên đời !
Nhưng tài năng nổi bật nhất của Khổng Minh là mưu lược hơn người. Chỉ bằng vài kế nhỏ của Khổng Minh mà khích được Chu Du đánh Tào, rồi mượn được 10 vạn mũi tên, thậm chí khiến Chu Du tức hộc máu mà chết. Có thể giết được một đại tướng mà không cần dấy động can qua mới thấy trí lực tuyệt luân của Gia Cát Lượng.
Sử dụng những mẹo vặt thôi đã như vậy, thì khi Gia Cát Lượng thật sự ra tay " xoay lại trời đất, chắp vá càn khôn " thì chắc chắn phải khiến cả thiên hạ khinh ngạc. Đầu tiên ông bày mưu giúp Lưu Bị chiếm được đất Xuyên, gây nên cục diện phân tranh tam quốc. Nhờ Gia Cát Lượng mà Lưu Bị từ chỗ là kẻ yếu, phải chạy hết chỗ này tới chỗ khác, nương nhờ hết người này đến người kia, giờ đây thống nhất được Lưỡng Xuyên, sánh ngang cùng hai họ Tôn, Tào. Bước ngoặt
lịch sử thời Tam Quốc chính thức mở ra nhờ công rất lớn của Gia Cát Lượng.
Tào Tháo bình định xong phương Bắc, Lưu Bị liên tiếp thất bại, Đông Ngô bị 83 vạn quân Tào lăm le nuốt sống, tình thế khác nào " chỉ mành treo chuông " ? Những tưởng chỉ thêm một trận đánh là bình xong Giang Đông, thống nhất Trung Quốc. Thế mạnh đang nghiêng hẳn về quân Tào, vậy mà Khổng Minh giúp được quân Ngô đánh bại Tào Tháo, rồi giúp Lưu Bị làm chúa đất Xuyên, thiết lập nên thế chia ba thiên hạ, không phải là ông đã " xoay lại trời đất " thì là gì ?
Tiếp đó ông bắt gọn đại tướng Ngô Lục Tốn trong trận đồ bát quái, như người dân chài bẫy cá bằng nơm, khiến cho Lục Tốn như con cá trong nơm chui được vào mà không biết đường nào chui ra. Điều đó cho thấy Gia Cát Lượng thật tinh thông thuật ngũ hành âm dương.
Trong khi nỗ lực sửa lại số trời, thay đổi vận mệnh của nhà Hán, Gia Cát Lượng đã khiến bao người khâm phục. Khi Nam Chinh : Thất cầm Mạnh Hoạch, lúc Bắc Chiến : Lục xuất Kỳ Sơn, ông đã sử dụng biết bao mưu hay chước lạ. Không chỉ kế sách tuyệt diệu khiến người đời khâm phục, những thuật lạ kỳ như chế trâu gỗ ngựa máy, thuật co đất, thuật cầu sao... cũng nổi tiếng bao đời. Nhưng " chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau ", đáng tiếc Gia Cát Lượng mất quá sớm khi chưa kịp làm xong việc " xoay lại trời đất " của ông.
Tất cả những tài năng đó hội tụ trong con người Gia Cát Lượng, khiến ông được coi là bậc kỳ tài đệ nhất trong trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Nhưng " chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ", nếu Khổng Minh chỉ có tài không thì có lẽ ông cũng không được lưu danh sử sách đến thế, và chắc cũng không được người đời ca ngợi nhiều thế. Khổng Minh theo Tào Tháo thì từ trận Xích Bích đã dẹp yên được thiên hạ. Tào tặc thống nhất Trung Quốc xong, cướp ngôi vua thì Khổng Minh sẽ trở thành khai quốc công thần ! Vậy là chỉ ngoài 30 Khổng Minh có thể dưới một người mà trên muôn vạn người. Như thế chắc chắn Tư Mã Ý sẽ chẳn còn cơ hội ngóc đầu lên nữa. Vậy mà ông theo Lưu Bị để hao tâm tổn sức, vất vả cả đời tới lúc nhắm mắt cũng không yên tâm. Đúng như lời Thôi Châu Bình nói : " thuận trời thì an nhàn, trái trời thì lao khổ ".
Biết rõ vận mệnh nhà Hán đã hết, biết rõ sức người không địch lại được với số trời, cũng biết rõ " trái trời thì lao khổ ", vì cơ nghiệp Đại Hán, vì vị chúa hiền, cũng vì cảm động trước ơn " tam cố thảo lư " mà Khổng Minh quyết ra tay phò Lưu giúp Hán, bất chập mọi khó khăn gian khổ. Điều này cho thấy Gia Cát Lượng không chỉ có tinh thần yêu nước nồng nàn mà còn có một tấm lòng đẹp đẽ biết rung động trước những nhân cách cao cả.
Khổng Minh còn là một vị tướng hết sức trung thành. Lưu Thiện bất tài, nhu nhược mà ông vẫn một lòng thờ chúa. Quyền của ông với nhà Thục khác nào Tào Tháo với nhà Hán, Tư Mã Ý với nhà Ngụy ? Nhưng họ Tào cướp nhà Hán, họ Tư Mã lại cướp nhà Ngụy, còn họ Gia Cát đối với nhà Thục chỉ biết một chữ trung mà thôi !
Xét theo quan điểm hiện đại thì Khổng Minh còn là một con người cống hiến hết mình vì một ước mơ. Mong muốn bình định thiên hạ, từ lúc xuất sơn khi 27 tuổi, ông luôn hết lòng phó tá họ Lưu, bày biết bao mưu kế, đánh biết bao trận lớn nhỏ, cho tới tận khi ông chút nợ non nước vào hơi thở cuối cùng. Cả đời ông chỉ có một tâm nguyện vô cùng cao cả, đó là nhà Hán được phục hưng, đất nước được thống nhất, nhân dân được sống trong cảnh thanh bình, ấm no.
Nói Gia Cát Lượng là đệ nhất kỳ nhân của Trung Quốc quả thực chẳng sai. Cuộc đời của ông như một câu truyện đọc mãi không mòn, càng đọc càng cảm thấy thấm thía và kính phục ông hơn !
Trường Giang cuộn cuộn chảy về Đông Sóng dập dồn đãi hết anh hùng Được thua phải trái phút thành không Non sông phơi vẻ cũ Mấy độ bóng tàn hồng
Monday, May 5, 2008
Gia Cát Lượng
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Một chiều ngược gió Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Bùi Sim Sim Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh Ngược phố tan tầm, ngược chi...
-
Ta về (thơ Tô Thùy Yên) Ta về một bóng trên đường lớn/ Thơ chẳng ai đề vạt áo phai... Ta về một bóng trên đường lớn Thơ chẳng ai đề vạt áo...
-
Nói tới Tào Tháo, người đọc Tam Quốc diễn nghĩa hẳn nhớ hình ảnh của ông như một kẻ tài giỏi nhưng gian trá, đa ngh...
-
Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung được coi là bộ tiểu thuyết chương hồi xuất sắc nhất Trung Quốc. Tác phẩm đã tái...
No comments:
Post a Comment