Monday, May 5, 2008

Tào Tháo

Nói tới Tào Tháo, người đọc Tam Quốc diễn nghĩa hẳn nhớ hình ảnh của ông như một kẻ tài giỏi nhưng gian trá, đa nghi. Những điều đó có thể có thực vì suy cho cùng, Tào Tháo là một nhà chính trị ở một quốc gia mà trong việc tranh bá đồ vương, người ăn thịt người là chuyện bình thường. Nhưng nhìn nhận một cách khách quan thì Tào Tháo là nhân vật tài giỏi nhất thời Tam Quốc, văn võ toàn tài, trị dân giỏi. Nếu so sánh với các vị vua sáng nghiệp khác của Trung Quốc thì Hán Cao Tổ cũng trí trá nhưng kiểu bịp bợm và lưu manh, Tống Thái Tổ thì mờ nhạt, may nhờ thời vận, Minh Thái Tổ thì cũng không khác với Hán Cao Tổ là mấy, đến bọn cùng thời Lưu Bị, Tôn Quyền thì lại càng kém xa vậy. Xem ra chỉ còn có Đường Thái Tông, có lẽ là vị vua tài giỏi nhất trong toàn bộ lịch sử 5000 năm của Trung Quốc, là có thể so sánh được với Tào Tháo (tất nhiên công nghiệp của Đường Thái Tông vượt xa Tào Tháo, nhưng đó là chuyện khác).

Về võ nghiệp thì Tào Tháo không những thống nhất phương Bắc mà còn đánh tan người Khương, người Hung Nô, và dùng chính sác ngoại giao mềm dẻo để ổn định biên giới. Nhưng cũng có người cho rằng chính vì họ Tào không cương quyết trong cuộc tranh đấu với các tộc Hồ thành ra dị họa sau này, tới thời Tây Tấn, mới xảy ra hiện tượng Ngũ Hồ loạn Hoa.

Về văn học thì Tào Tháo cũng rất xuất sắc. Cùng với hai con là Tào Thực và Tào Phi tạo thành Tam Tào, ba nhà thơ xuất sắc nhất thời Tam Quốc. Thơ Tào Tháo hào sảng, đầy khí phách của một kẻ hùng tài, đảm lược, các bài thơ thường làm theo lối “hành”. Nhặt lấy 3 bài thơ của Tào Tháo trên trang annonymous.fr.

Portrait of Cao Cao by unknown artist

(hình trên wikipedia)

Đoản ca hành kỳ 1 (bài này có được nhắc tới trong Tam Quốc, đoạn trong trận Xích Bích)

Đối tửu đương ca, Nhân sinh kỷ hà: Thí như triêu lộ, Khứ nhật khổ đa. Khái đương dĩ khảng, Ưu tư nạn vong. Hà dĩ giải ưu: Duy hữu Đỗ Khang. Thanh thanh tử câm, Du du ngã tâm. Đãn vi quân cố, Trầm ngâm chí kim. U u lộc minh, Thực dã chi tần. Ngã hữu gia tân, Cổ sắt xuy sinh. Hạo hạo như nguyệt, Hà thời khả chuyết ? Ưu thung trung lai, Bất khả đoạn tuyệt. Việt mạch độ thiên, Uổng dụng tương tồn. Khế khoát đàm yến, Tâm niệm cựu ân. Nguyệt minh tinh hy, Ô thước nam phi, Nhiễu thụ tam tạp, Vô chi khả y. Sơn bất yếm cao, Thuỷ bất yếm thâm. Chu Công thổ bộ, Thiên hạ quy tâm.

Bài hát ngắn kỳ 1 (Người dịch: Lệ Chi Sơn). Bản dịch này tớ không thích bằng bản dịch của Phan Kế Bính trong Tam Quốc, không hiểu sao các bản Tam Quốc trên Internet bây giờ đều tóm tắt, bỏ hết thơ phú trong đó).

Trước ly rượu ta nên ca hát Một đời người thấm thoát là bao ? Khác chi mấy hạt sương mai, Ngày qua sầu tủi hỏi ai không buồn ? Vụt đứng dậy, lòng thêm khảng khái Nhưng cái buồn đeo mãi không tha Giải sầu chỉ một chăng là Mượn đôi ba chén cửa nhà Đỗ Khang Tuổi đi học, áo xanh cổ cứng Mà lòng ta bịn rịn hôm mai Nhưng thôi nhắc mãi làm chi Tuổi xanh quá vãng vì mi ta buồn Con hươu lạc kêu trên đồng vắng Chân ngẩn ngơ mồn gặm cỏ non Nhà ta khách quý rộn ràng Đàn ca sáo phách bập bùng thâu đêm Mảnh trăng nọ treo trên trời rộng Biết bao giờ hết sáng ngàn cây ? Nỗi buồn ập đến ai hay Lòng ta vương vấn khi đầy khi vơi Xông pha mãi một đời gió bụi Uổng công ta lui tới đeo đai Bi hoan ly hợp một đời Mong người tri kỷ đứng ngồi chẳng an Trăng vằng vặc sao ngàn thưa thớt Quạ về nam thảng thốt kêu thương Liệng quanh cây những mấy vòng Mà không tìm được một cành nương thân Chẳng quản ngại ta tìm tri kỷ Dù núi cao, biển cả sâu nông Một đời nghiền ngẫm Chu công Làm sao thiên hạ dốc lòng về ta.

.

Hao lý hành

Quan Đông hữu nghĩa sĩ, Hưng binh thảo quần hung; Sơ kỳ hội Mạnh Tân, Nãi tâm tại Hàm Dương; Quân hợp lực bất tề, Trù trừ nhi nhạn hành; Thế lợi sử nhân tranh, Tự hoàn tự tương tường; Hoài Nam đệ xưng hiệu, Khắc tỷ ư bắc phương; Khải giáp sinh kỷ sắt, Vạn tính dĩ tử vong; Bạch cốt lộ ư dã, Thiên lý vô kê minh; Sinh dân bách di nhất, Niệm chi nhân đoạn trường.

Bài ca về làng Hao (Người dịch: Nguyễn Bích Ngô)

Quan Đông có nghĩa sĩ, Dấy binh dẹp nhiễu nhương. Bắt đầu họp Mạnh Tân Lòng vẫn ở Hàm Dương. Quân hợp sức không đều Ngần ngừ rồi chia đường. Thế lợi bắt người tranh Giết nhau co như thường. Hoài Nam em xưng đế Khắc ấn ở Bắc phương. Giáp trụ sinh chấy rận, Muôn dân bị tử thương! Xương trắng phơi ngoài nội Tiếng gà vắng dặm trường Trăm người còn sống một, Ai nghĩ chẳng đoạn trường.

Khổ hàn hành

Bắc thượng Thái Hàng sơn, Nam tai hà nguy nguy! Dương trường bang khúc chuyết. Xa luân vị chi tồi, Thụ một hà tiêu sắt! Bắc phong thanh chính bi. Hùng bi đối ngã tôn. Hổ báo hiệp lộ đề. Khê cốc thiểu nhân dân, Tuyết lạc hà phi phi, Diêu canh trường thán tức Viễn hành đa sơ hoài Ngũ tâm hà phẫn uất ? Tá dục nhất đông quy. Thủy thâm cảo lương tuyệt. Trường lộ chính bồi hồi. Mê hoặc thất cố lộ, Mạc mộ vô túc lâu. Hành nhật dĩ viễn chí. Nhân mã đồng thời cơ. Đảm nang thành thủ tân, Phụ băng trì tác mễ. Bi bi "Đông Sơn" thị, Du du linh ngã ai!

Khổ hàn hành

Phía Bắc Thái Hàng sơn, Vòi vọi lên gian nan. Đường ruột dê uống khúc, Làm bánh xe vỡ tan. Cây cối sao hiu hắt. Gió bắt rít trên ngàn. Gấu ngồi xổm ngó khách; Hổ bên đường gầm vang. Tuyết rơi sao phơi phới, Hang hốc ít nhân dân, Đi xa dạ ngùi ngùi. LÒng ta sao buồn bực Về đông mong tới ngày. Nước sâu cầu lại gãy. Giữa đường dạ bồi hồi. Mê hoặc quên đường cũ Tối mịt trọ nhà ai ? Đi ngoài bao ngày tháng, Đói cả ngựa lẫn người. Quảy gói đi kiếm củi, Lấy gia để thổi cơm. Dằng dặc một nỗi buồn...

Gia Cát Lượng


Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung được coi là bộ tiểu thuyết chương hồi xuất sắc nhất Trung Quốc. Tác phẩm đã tái hiện một bức tranh vô cùng sinh động về Trung Hoa trong thời kì loạn lạc này. Nổi bật lên trên bức tranh đa dạng ấy là hình ảnh Gia Cát Lượng - một nhân vật được coi như một vị thánh sống hội tụ đủ cả tài và đức. Trong lịch sử Trung Quốc, hiếm ai được nhắc tới toàn vẹn như Gia Cát Lượng. Không chỉ toàn vẹn cả về tài năng, tính cách, nhân phẩm, ngay cả vẻ ngoài thôi cũng nói lên Gia Cát Lượng quả là một con người phi phàm.
Giống như những tác phẩm cổ điển khác, các nhân vật trong Tam Quốc Diễn Nghĩa đều được tả một cách ước lệ tượng trưng. La Quán Trung không miêu tả Khổng Minh mặt tròn hay dài, mắt to hay bé mà ông viết : " Khổng Minh mình cao tám thước, mặt đẹp như bạch ngọc, mắt sáng tựa sao ngời ". Sử dụng biện pháp ước lệ như trên thì khó ai có thể hình dung được chính xác mặt mũi ông Gia Cát thế nào, người đọc chỉ biết rằng ông có phong thái rất đặc biệt, cộng thêm " đầu đội khăn luân cân, mình khoác áo lông hạc " thì đúng là " trông phiêu diêu đường bệ mà có phong thái thần tiên ".

Cuộc đời của Gia Cát Lượng khá nhiều biến động. Ông quê ở quận Lang Gia, thuộc dòng dõi quan tư lệ hiệu úy Gia Cát Phong nhà Hán. Tuy gia đình phú quý, cha ông làm quan ở quận Thái Sơn nhưng ông sớm mất cha. Ông theo người chú Gia Cát Huyền đến nhờ Lưu Biểu. Nhưng chẳng bao lâu chú ông cũng qua đời, anh trai ông là Gia Cát Cẩn sang Đông Ngô giúp Tôn Sách, ông phải cùng em là Gia Cát Quân về cày ruộng ở Nam Dương, cất nhà tranh ở đồi Ngọa Long Cương, vì vậy lấy hiệu là " Ngọa Long tiên sinh ". Năm ông 27 tuổi được Lưu Bị " tam cố thảo lư ", mời ông mời ông ra giúp việc nước. Gia Cát Lượng nhận lời xuất sơn, bắt đầu dụng binh tại đồi Bác Vọng, trải qua bao năm Nam Chinh Bắc Chiến, cuối cùng ông mất tại Ngũ Nguyên Trượng, khi mới 54 tuổi. Chính trong cuộc đời đầy biến động này, Khổng Minh đã thể hiện tài năng sáng như trăng rằm và nhân cách đẹp như ngọc thạch của ông.

Người tài trí thời Tam Quốc quả thực nhiều như sao trên trời. Xét lịch sử Trung Quốc cổ kim mà hỏi rằng : bày mưu trong màn trướng, quyết thắng ngoài ngàn dặm, có mấy ai được như Từ Thứ, Bàng Thống ? Hành quân dụng binh như Chu Du, Lục Tốn, Tư Mã Ý đã được bao người ? Giỏi luận việc như Quách Gia, Trình Dục, Tuân Húc, Giả Hủ, đâu dễ có nhiều ? Lại có nhưng người tài cao mà ẩn mình như Thạch Quảng Nguyên, Thôi Châu Bình, Mạnh Công Uy, hay những người trí dũng kiêm toàn như Khương Duy, Đặng Ngải. Nhưng nổi bật lên trên bầu trời đầy sao đó là mặt trăng rằm sáng vằng vặc, làm mờ đi tất cả bao vì sao kia. Đó chính là Gia Cát Lượng.

Trình Dục cũng là một tướng tài, vậy mà khi Tào Tháo hỏi tài của Từ Thứ so với Trình Dục như thế nào, Trình Dục nói " còn gấp mười lần tôi ". Chỉ một câu nói đó thôi cũng đủ thấy tài Từ Thứ ra sao. Vậy mà Từ Thứ lại nói về Khổng Minh : " Đem tôi mà so với người ấy khác gì đem ngựa hèn so với Kỳ Lân, lấy quạ khoang mà sánh cùng loan phượng ? ". Tư Mã Huy thì nói : " trong hai người Phục Long, Phượng Sồ mà cầu được một thì có thể an định thiên hạ " , còn nói : " Khổng Minh không đáng ví với Quản, Nhạc, mà phải ví với Khương Tử Nha, người đã gây cơ nghiệp tám trăm năm cho nhà Chu, và Trương Tử Phòng, người đã mở cơ nghiệp bốn trăm năm cho nhà Hán". Từ khi chưa xuất hiện, chỉ bằng lời kể của các nhân vật khác chúng ta đã thấy được hình ảnh Gia Cát Lượng hiện lên như một bậc thần tiên.

Ngay từ những thú vui giản dị khi còn quy ẩn, Khổng Minh cũng thể hiện mình thật hơn người. Ông là một nhà thi sĩ tài hoa với tập thơ Lương Phủ Ngâm tuyệt diệu. Ông gảy đàn thì " tay tả thoăn thoát so phím đàn, tay hữu nhẹ nhàng búng dây tơ tanh tách ", " tiếng đàn lúc khoan, lúc mau, khi trầm, khi bổng ". Thử hỏi mấy ai làm ruộng mà nho nhã được đến thế ?

Khi xuất sơn, ông càng chứng tỏ mình là một vầng trăng sáng trên bầu trời đầy sao kia.

Như một nhà chiêm tinh tài ba, chỉ quan sát thiên văn mà Gia Cát Lượng không những biết được thời tiết mà còn đoán được số mệnh con người và vận mệnh đất nước. Ông biết trước sương mù sẽ phủ kín mặt sông nên mới mượn được 10 vạn mũi tên của địch, biết gió Đông sẽ thổi từ ngày Giáp Tí 20 đến ngày Bính Dần 22 tháng 11 thì mới đánh bại được quân Tào. Cũng nhờ xem sao mà ông biết trời sẽ mưa dầm, không đánh mà khiến Tư Mã Ý phải rút quân. Ngoài ra số phận sống chết của con người ông chỉ xem thiên văn mà biết cả. Quan Vũ, Bàng Thống, mất tin báo còn chưa về, ông chỉ cần quan sát thiên văn là biết. Gia Cát Lượng quả thực là một nhà chiêm tinh hiếm có, đặc biệt là trong thời còn khá lạc hậu này.

Nhờ hiểu địa lý mà Gia Cát Lượng thắng biết bao trận, đặc biệt nhất là trận hãm cha con Tư Mã Ý trong hang Thượng Phương. Đáng tiếc địa lôi của người không chống lại được thiên lôi của trời, nếu không thì chắc chắn sẽ chẳng còn nhà Tấn sau này nữa !

Gia Cát Lượng còn là người " thấu nhân tình ". Ông hiểu rõ đánh thắng quân Nam Man thì dễ, làm người Nam Man phục mới khó, vì vậy ông phải bảy lần bắt, rồi bảy lần tha vua Man, làm nên sự tích " Thất cầm Mạnh Hoạch". Ông biết rõ Ngụy Diên sẽ có ngày làm phản nên đã bày mưu sẵn để trừ Ngụy Diên. Lòng quân khi nào hăng đánh, khi nào trễ nải ông cũng biết cả. Nhà quân sự giỏi thời phong kiến Trung Quốc thì không hiếm, nhưng nhà quân sự mà trên thông thiên văn, dưới thường địa lý, giữa thấu nhân tình như Khổng Minh thì có được mấy người ?

Gia Cát Lượng cũng nổi tiếng vì tài hùng biện. Một mình ông khẩu chiến đánh bại tòan bộ hơn hai mươi quan văn của Đông Ngô, rồi khích được cả Tôn Quyền lẫn Chu Du đánh Tào Tháo. Chỉ bằng lời nói mà ông có thể mắng chết được cả Vương Lãng, đúng là hiếm có trên đời !

Nhưng tài năng nổi bật nhất của Khổng Minh là mưu lược hơn người. Chỉ bằng vài kế nhỏ của Khổng Minh mà khích được Chu Du đánh Tào, rồi mượn được 10 vạn mũi tên, thậm chí khiến Chu Du tức hộc máu mà chết. Có thể giết được một đại tướng mà không cần dấy động can qua mới thấy trí lực tuyệt luân của Gia Cát Lượng.

Sử dụng những mẹo vặt thôi đã như vậy, thì khi Gia Cát Lượng thật sự ra tay " xoay lại trời đất, chắp vá càn khôn " thì chắc chắn phải khiến cả thiên hạ khinh ngạc. Đầu tiên ông bày mưu giúp Lưu Bị chiếm được đất Xuyên, gây nên cục diện phân tranh tam quốc. Nhờ Gia Cát Lượng mà Lưu Bị từ chỗ là kẻ yếu, phải chạy hết chỗ này tới chỗ khác, nương nhờ hết người này đến người kia, giờ đây thống nhất được Lưỡng Xuyên, sánh ngang cùng hai họ Tôn, Tào. Bước ngoặt
lịch sử thời Tam Quốc chính thức mở ra nhờ công rất lớn của Gia Cát Lượng.

Tào Tháo bình định xong phương Bắc, Lưu Bị liên tiếp thất bại, Đông Ngô bị 83 vạn quân Tào lăm le nuốt sống, tình thế khác nào " chỉ mành treo chuông " ? Những tưởng chỉ thêm một trận đánh là bình xong Giang Đông, thống nhất Trung Quốc. Thế mạnh đang nghiêng hẳn về quân Tào, vậy mà Khổng Minh giúp được quân Ngô đánh bại Tào Tháo, rồi giúp Lưu Bị làm chúa đất Xuyên, thiết lập nên thế chia ba thiên hạ, không phải là ông đã " xoay lại trời đất " thì là gì ?

Tiếp đó ông bắt gọn đại tướng Ngô Lục Tốn trong trận đồ bát quái, như người dân chài bẫy cá bằng nơm, khiến cho Lục Tốn như con cá trong nơm chui được vào mà không biết đường nào chui ra. Điều đó cho thấy Gia Cát Lượng thật tinh thông thuật ngũ hành âm dương.

Trong khi nỗ lực sửa lại số trời, thay đổi vận mệnh của nhà Hán, Gia Cát Lượng đã khiến bao người khâm phục. Khi Nam Chinh : Thất cầm Mạnh Hoạch, lúc Bắc Chiến : Lục xuất Kỳ Sơn, ông đã sử dụng biết bao mưu hay chước lạ. Không chỉ kế sách tuyệt diệu khiến người đời khâm phục, những thuật lạ kỳ như chế trâu gỗ ngựa máy, thuật co đất, thuật cầu sao... cũng nổi tiếng bao đời. Nhưng " chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau ", đáng tiếc Gia Cát Lượng mất quá sớm khi chưa kịp làm xong việc " xoay lại trời đất " của ông.

Tất cả những tài năng đó hội tụ trong con người Gia Cát Lượng, khiến ông được coi là bậc kỳ tài đệ nhất trong trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Nhưng " chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài ", nếu Khổng Minh chỉ có tài không thì có lẽ ông cũng không được lưu danh sử sách đến thế, và chắc cũng không được người đời ca ngợi nhiều thế. Khổng Minh theo Tào Tháo thì từ trận Xích Bích đã dẹp yên được thiên hạ. Tào tặc thống nhất Trung Quốc xong, cướp ngôi vua thì Khổng Minh sẽ trở thành khai quốc công thần ! Vậy là chỉ ngoài 30 Khổng Minh có thể dưới một người mà trên muôn vạn người. Như thế chắc chắn Tư Mã Ý sẽ chẳn còn cơ hội ngóc đầu lên nữa. Vậy mà ông theo Lưu Bị để hao tâm tổn sức, vất vả cả đời tới lúc nhắm mắt cũng không yên tâm. Đúng như lời Thôi Châu Bình nói : " thuận trời thì an nhàn, trái trời thì lao khổ ".

Biết rõ vận mệnh nhà Hán đã hết, biết rõ sức người không địch lại được với số trời, cũng biết rõ " trái trời thì lao khổ ", vì cơ nghiệp Đại Hán, vì vị chúa hiền, cũng vì cảm động trước ơn " tam cố thảo lư " mà Khổng Minh quyết ra tay phò Lưu giúp Hán, bất chập mọi khó khăn gian khổ. Điều này cho thấy Gia Cát Lượng không chỉ có tinh thần yêu nước nồng nàn mà còn có một tấm lòng đẹp đẽ biết rung động trước những nhân cách cao cả.

Khổng Minh còn là một vị tướng hết sức trung thành. Lưu Thiện bất tài, nhu nhược mà ông vẫn một lòng thờ chúa. Quyền của ông với nhà Thục khác nào Tào Tháo với nhà Hán, Tư Mã Ý với nhà Ngụy ? Nhưng họ Tào cướp nhà Hán, họ Tư Mã lại cướp nhà Ngụy, còn họ Gia Cát đối với nhà Thục chỉ biết một chữ trung mà thôi !

Xét theo quan điểm hiện đại thì Khổng Minh còn là một con người cống hiến hết mình vì một ước mơ. Mong muốn bình định thiên hạ, từ lúc xuất sơn khi 27 tuổi, ông luôn hết lòng phó tá họ Lưu, bày biết bao mưu kế, đánh biết bao trận lớn nhỏ, cho tới tận khi ông chút nợ non nước vào hơi thở cuối cùng. Cả đời ông chỉ có một tâm nguyện vô cùng cao cả, đó là nhà Hán được phục hưng, đất nước được thống nhất, nhân dân được sống trong cảnh thanh bình, ấm no.

Nói Gia Cát Lượng là đệ nhất kỳ nhân của Trung Quốc quả thực chẳng sai. Cuộc đời của ông như một câu truyện đọc mãi không mòn, càng đọc càng cảm thấy thấm thía và kính phục ông hơn !

Tìm lại Tam Quốc xưa


Đến Trung Quốc mới thấy rõ ảnh hưởng của bộ Tam Quốc diễn nghĩa đối với người Trung Hoa. Có thể xem Tam Quốc là bộ tiểu thuyết sử thi đầu tiên của Trung Quốc mà đa số người từ thành thị đến nông thôn, biết chữ hay không biết chữ đều ít nhiều biết về nội dung.

Khu mộ Tôn Quyền rợp bóng hoa đào

Dựa vào những sự kiện lịch sử, những câu chuyện, những tác phẩm có trước, bằng tài năng sáng tạo của mình, La Quán Trung đã biến bộ sách thành một sản phẩm tinh hoa trong tâm hồn người Trung Quốc.

Ngược dòng lịch sử, sau những chính sách khắc nghiệt, đi ngược lại lòng dân của Tần Thủy Hoàng; Lưu Bang, theo truyền thuyết, đã chém rắn khởi sự nhà Hán. Nhà Hán đã trải qua rất nhiều thăng trầm qua các biến cố lịch sử. Đến khoảng thế kỷ thứ III, Trung Quốc chia làm ba nước: nước Thục của Lưu Bị, nước Ngô của Tôn Quyền và nước Ngụy của Tào Tháo. Đó là thời Tam Quốc, kéo dài từ năm 220 đến năm 280. Mang danh nghĩa khôi phục nhà Hán, ba nước này đã hỗn chiến qua hơn sáu thập niên với ý đồ thống nhất Bắc - Nam.

Nước Thục nay

Thành Đô hôm nay Nam Kinh
Chúng tôi đến Thành Đô, xưa là kinh đô nước Thục, ngày nay là thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, với tâm trạng phấn khởi xen lẫn một chút bùi ngùi về quá khứ. Theo sử sách, Tứ Xuyên là nơi “biên địa hạ tiện”, vùng biên cương khô cằn của Trung Quốc. Thực tế, Thành Đô làm người ta choáng ngợp bởi sự nhộn nhịp của một thành phố hiện đại. Đâu đâu cũng thấy xe cộ như mắc cửi, sáng rực đèn màu của các bảng hiệu quảng cáo, nhan nhản các cửa hàng thức ăn nhanh KFC, Mc Donald, đầy ắp hàng hóa nhập trong các trung tâm mua sắm như Parkson, Wal-Mart...

Chúng tôi cũng làm như nhà “tiên thơ” Lý Bạch từng làm: viếng Thành Đô, thăm đền Vũ Hầu. Người điều hành công ty du lịch địa phương, với vẻ mặt nửa đùa nửa nghiêm túc, hỏi chúng tôi muốn tham quan đền Vũ Hầu nào. Sau này mới biết, Khổng Minh Gia Cát Lượng được đông đảo nhân dân yêu quý và kính trọng nên chỉ riêng tỉnh Tứ Xuyên đã có đến 40 đền thờ Khổng Minh. Nếu tính thêm Vân Nam và Quý Châu, thì con số lên đến hơn 90 đền. Khổng Minh xứng đáng dược mọi người quý trọng như vậy, ông là một thừa tướng thanh liêm, tài trí của nước Thục xưa. Ông cương quyết hạn chế việc bóc lột dân chúng và rất cổ vũ sản xuất...

Đền được gọi là Vũ Hầu vì lúc còn sống, Khổng Minh được phong Vũ Hương Hầu và sau khi chết, ông được phong làm Trung Vũ Hầu. Đền Vũ Hầu chúng tôi muốn đến chính là “Hán Chiêu Liệt Miếu” hay Huệ Lăng (mộ của Lưu Bị). Nghe đâu, trước đây, đền Vũ Hầu và Huệ Lăng nằm riêng biệt. Đến thời nhà Minh, vua Chu Xuân (con thứ 11 của Thái tử Chu Nguyên Chương) đã “mời” Khổng Minh vào phía Đông của Chiêu Liệt Miếu (phía Tây dành cho Quan Vân Trường và Trương Phi, em kết nghĩa của Luu Bị) nhưng người dân vốn quen gọi đền này là Vũ Hầu. Chúng tôi đã tham bái tượng của Lưu Bị và Khổng Minh mà không khỏi miên man suy nghĩ về họ.

Theo lời tiên đoán trước đây của Tư Mã Huy, cả Lưu Bị và Khổng Minh đều không gặp thời vận tốt. Đúng như lời tiên đoán, họ không được cơ đồ hay giang sơn thống nhất, nhưng bù lại đã được lòng nguời. Bằng chứng là sau đó 18 thế kỷ, vẫn có rất nhiều người, nhiều du khách như chúng tôi ngậm ngùi tham bái cho đấng minh quân và vị trung thần.

Rời nước Thục “nhân hòa” chúng tôi đến nước Ngô của Tôn Quyền, nơi được Khổng Minh đánh giá là “địa lợi” trong thế chân vạc bình thiên hạ vào một ngày xuân.

Đông Ngô - địa lợi

Trời vẫn còn se lạnh trong tiết tháng tư, hoa nở rất nhiều hai bên đường. Ấn tượng đầu tiên về một Giang Đông xưa rất đẹp, không phồn hoa như Bắc Kinh, không hối hả như Thượng Hải, Nam Kinh mà có những khoảng xanh cần thiết, có hồ Huyền Vũ, có dãy núi Tử Kim phía sau và có dòng Dương Tử chảy qua. Ngày xưa, lo sợ phong thủy tốt ở đây sẽ sinh họa sau này, Tần Thủy Hồng cho đào một con sông nhỏ chảy qua thành phố để trừ hậu họa. Con sông về sau được đặt tên là Tần Hoàng.

Thuyền của Đông Ngô Hồ Huyền Vũ

Chúng tôi dành một buổi sáng đi viếng mộ Tôn Quyền, mộ nằm trên đồi có hoa đào nở hồng cả lối đi. Tôn Quyền xưng vương và dựng nước Đông Ngô năm 221, sau đó ông cho dời đô về Nam Kinh. Ngày nay du khách có thể tham quan khu di tích cổ thành nằm giữa hồ Huyền Vũ và sông Tần Hoàng. Có lẽ Tôn Quyền cũng vui lòng nơi chín suối khi thấy con cháu của ông đã làm dược nhiều kì tích cho nước Ngô xưa. Kỳ tích lớn nhất là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Dương Tử do Trung Quốc xây năm 1968, một công trình được đánh giá không thể thực hiện được vào thời dó.

Đứng trên chiếc cầu vững chãi nhìn xuống dòng Trường Giang cuộn chảy, đỏ ngầu phù sa như dòng Cửu Long mà chạnh xót xa khi nhớ vế những chiếc cầu quá cũ kỹ ở quê mình. Chúng tôi tranh thủ thời gian ít ỏi còn lại để tham quan Triển lãm Quy hoạch thành phố Nam Kinh năm 2010. Sự bài bản ngay từ trong cách thể hiện, với tượng của Tôn Quyền như một người khai quốc được đặt kính cẩn ở gian đầu tiên của triển lãm. Lịch sử của thành phố như dần tái hiện, những viên ngói, giếng nước, những mái nhà xưa… Phần cuối của triển lãm, mô hình của thành phố Nam Kinh năm 2010 hiện ra thật diễm lệ bên dòng Dương Tử.

Còn ai nhớ về nước Ngụy

Thủy trại của Tào Tháo được tái hiện trong phim trường Toàn cảnh phim trường Tam Quốc

Nước Ngụy của Tào Tháo nằm ở phía Bắc, xung quanh sông Hoàng Hà. Tào Tháo bị nhiều người ghét vì sự gian hùng và tính đa nghi nhưng thật ra đấy là một nhân vật xuất sắc. Ông là người thao lược, giỏi cả văn lẫn võ. Theo Tam Quốc Diễn nghĩa, ông luôn là một nhân vật phản diện. Người Trung Quốc cũng không thích nhân vật này, nhiều người cản chúng tôi khi nghe ý định tìm những gì còn lại của nước Ngụy xưa. Họ nói, không có người Trung Quốc nào lập đền hay tưởng nhớ đến Tào Tháo đâu, tìm chi cho vô ích. Ngay cả mộ của mình, Tào Tháo phải giấu thật kỹ để tránh người đời sau ganh ghét đập phá.

Chúng tôi đến Lạc Dương, Trịnh Châu (thuộc tỉnh Hà Nam), Tây An (tỉnh Thiểm Tây), những gì liên quan đến nước Ngụy xưa còn lại quá ít. Đành chuyển hướng tìm lại nước Ngụy trong phim trường, tuy trong lòng vẫn ấm ức, mong có ngày quay lại tìm những di tích của nước Ngụy kỹ hơn.

Đến Vô Tích (tỉnh Giang Tô) để tìm đếnn phim trường Tam Quốc Chí, nơi đây được gọi là Tam Quốc Thành vì phim trường rộng đến 35 hecta giống như một thành phố đời Hán, xây dựng năm 1993. Sau khi mua vé vào cửa và vé xe điện, khách được chở thẳng vào thủy trại của Tào Tháo. Những nhà trại hai tầng thật đẹp được thiết kế bằng gỗ dọc mé nước của Thái Hồ làm người xem liên tưởng đến câu khen ngợi của Chu Du khi nhìn trộm thủy trại này trước trận Xích Bích: “Thật là đạt mức tuyệt diệu của quân thủy!”.

Tại đây khách được ngồi thuyền của Đông Ngô để có thể nhìn toàn cảnh nơi diễn ra trận Xích Bích đầy gió lửa trong phim. Nhờ kế hỏa công mà Chu Du đã phá hơn tám mươi vạn quân của Tào Tháo. Và có lẽ con cháu chúng ta sau này cũng sẽ tìm thấy Xích Bích ở những nơi tương tự như ở đây thôi, bởi Xích Bích thật đã không còn được ai nghĩ đến khi mà công trình thủy điện Tam Hiệp (hoàn thành năm 2009) sẽ nhận chìm Xích Bích trong biển nước mênh mông.

Sau hơn 60 năm tranh giành đẫm máu, kẻ chiến thắng cuối cùng không phải là Thục, Ngô hay Ngụy mà làTư Mã Viêm. Tư Mã Viêm con của Tư Mã Ý, tướng tài của nước Ngụy chiến thắng, lập ra nhà Tây Tấn. Dù có cố gắng tìm, chúng tôi vẫn không thấy bằng chứng người đời sau thờ ông ta. Hình ảnh anh em kết nghĩa Lưu Bị - Quan Vũ - Trương Phi, Khổng Minh, Từ Nguyên Trực... vẫn sống mãi trong suy nghĩ của người Trung Quốc. Thiển nghĩ, đối với người làm tướng, phẩm chất con người là bất tử. Đừng vì lợi ích trước mắt mà hại dân hại bán nước, lịch sử sẽ luôn là người phán xét công minh nhất. Đúng như Ferdowsi nói trong Sử thi của các đấng quân vương: Người tốt kẻ xấu đều không thể sống mãi; đẹp đẽ nhất là để lại những việc tốt cho đời ghi nhớ.

Xin mượn lời của dịch giả Bùi Kỷ trong Tam Quốc Chí để thay cho lời kết:

Trường Giang cuồn cuộn chảy về Đông,
Sóng dập dồn đãi hết anh hùng,
Được thua, phải trái, thoắt thành không.
Non sông nguyên vẻ cũ,
Mấy độ bóng tàn hồng,
Bạn bạc đầu ngư tiều trên bến,
Mảng trăng thanh gió mát vui chơi.
Gặp nhau hồ rượu đầy vơi,
Xưa nay bao nhiêu việc phó mặc cuộc nói cười.

(Tam Quốc Chí - Trần Thọ)

Phiếm luận về Tào Tháo

Từ đầu thế kỷ trước, Tam Quốc đã được dịch sang tiếng Việt và được các thế hệ người đọc Việt Nam nhiệt liệt đón chào. Tại Trung Quốc, nơi sinh ra bộ sử thi - tiểu thuyết số một này, Tam Quốc bao giờ cũng được giữ nguyên sức sống mãnh liệt.

Mới đây, Đài THHN lại đưa người xem về với một không khí Tam Quốc "thứ thiệt" qua bộ phim hoành tráng, dài trên 80 tập mà chắc chắn được xem là tốt nhất trong các bộ phim cùng đề tài trước đây. Bằng diễn xuất tuyệt vời của mình, nghệ sỹ Bào Quốc An một lần nữa đã gieo vào lòng những người hâm mộ Tam Quốc một câu hỏi đã tồn tại lâu nay và tưởng chừng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng:

Tào Tháo là kẻ gian hùng hay là người anh hùng? Quả vậy, cho tới nay, các chuyên gia về Tam Quốc của Trung Quốc vẫn còn đang "bất phân thắng bại" ở đề tài này, cho dù dường như các bên đều thừa nhận Tào Tháo là một vĩ nhân lỗi lạc. Với lòng hâm mộ tác phẩm, chúng tôi xin được lạm bàn đôi nét, rất mong được các bậc đại khoa chỉ giáo.

1. Tam Quốc bao quát cả một thời kỳ lịch sử gần một thế kỷ (từ 184 đến 280 sau Công nguyên), tại đó, ba nước Ngụy, Thục, Ngô đã hình thành thế chân vạc trong quá trình đánh dẹp cuộc khởi nghĩa nông dân và trong cuộc chiến tranh giữa các chư hầu với nhau. Bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa của ba anh em Trương Giốc mà lịch sử gọi là cuộc khởi nghĩa Hoàng Cân (Khăn vàng) cho tới khi Tư Mã Viêm, cháu tướng Ngụy Tư Mã Ý, thống nhất được Trung Quốc để lập nên nhà Tấn và chấm dứt cục diện tam quốc phân tranh.

Tác giả La Quán Trung viết Tam Quốc với quan điểm "chính thống" phò Hán Yên Lưu mà tư tưởng chủ yếu được hình thành do ảnh hưởng của học thuyết Khổng giáo kết hợp với vài yếu tố của Phật giáo và Đạo giáo. Với ông, họ Tào không phải dòng dõi họ Lưu (Hán) nên được xem là đối nghịch với Lưu Bị và người dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương. Đứng trên quan điểm tiến bộ, La Quán Trung nói lên nguyện vọng của nhân dân được sống trong hòa bình và dưới triều của một ông vua anh minh. Vì thế, đương nhiên kẻ đối nghịch là Tào Tháo phải được mô tả như một tên gian thần.

Tháo khôn ranh từ nhỏ. Vốn nghịch ngợm nên hay bị người chú mách với cha là Tào Tung. Vì thế, Tháo nghĩ ra ngay một kế để lừa chú. Thấy chú đến, Tháo giả vờ nằm quay ra đất như kẻ bị trúng phong. Chú Tháo thấy vậy sợ quá liền chạy vào báo với Tào Tung. Tung ra thấy con không làm sao bèn hỏi:
- Chú mày nói trúng phong, khỏi rồi à?
- Thưa cha, từ nhỏ có bao giờ con bị bệnh ấy đâu! Chẳng qua chú ghét con mới đặt điều ra thế.
Từ đấy, Tào Tung tưởng thật và không bao giờ tin người em khi ông này mách tội Tào Tháo nữa.

Người ta đã quá quen thuộc với các giai thoại về Tào Tháo với châm ngôn "chết người": "Thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta", chẳng hạn, Tháo giết cả nhà Lã Bá Sa, mượn đầu Vương Hậu để yên bụng quân, giả vờ ngủ say để rồi giết cả lính hầu... Trong cái "bảy thực ba hư" của Tam Quốc, tác giả mượn Tào Tháo để mô tả một cách khái quát và sống động tính gian hùng, đa nghi, tàn ác, xảo quyệt của giai cấp thống trị đương thời và của nhiều thời đại.

http://en.wikivisual.com/images/2/29/Cao_Cao_TV_Serial.jpg

Người đời Tấn là Lục Cơ có nói: "Tuy công lao của Tào Tháo đầy khắp cả cõi Trung Hoa, nhưng ông ta lại tàn ác vô cùng, dân chúng ai ai cũng oán ghét".

Tào Tháo kỳ thị người hiểu rõ gan ruột mình mà Dương Tu, Tuân Úc, sau này đều là các nạn nhân. La Quán Trung đã dành trọn ác cảm với họ Tào qua bài hịch hùng hồn do Trần Lâm soạn khi Viên Thiệu chuẩn bị khởi binh đánh Tào Tháo... Phải chăng với tư tưởng chủ đạo của Tam Quốc, ở Tào Tháo, chữ nhân - yếu tố đầu tiên của Ngũ thường, được xem là thiếu hụt hơn hết so với các mặt khác. Điều này không khó giải thích khi chứng kiến ác cảm với ông ta của nhiều thế hệ người đọc. Nhưng...

2. Dù cho tác giả có mô tả Tào Tháo như một kẻ gian thần ác độc, một mẫu nhân vật có thể khiến người đời phải khiếp đảm khi nghĩ đến ông ta, song điều nghịch lý lại ở chỗ La Quán Trung vẫn cứ phải dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất để nói về Tào Tháo, kể cả việc viết nên rất nhiều chi tiết xúc động lòng người để mô tả tài năng xuất chúng và cả lối hành xử rất quân tử của con người ấy.

Ngay khi xuất hiện lần thứ nhất, tác giả đã đặc biệt ưu ái Tào Tháo rồi: "... Bỗng thấy một toán binh mã kéo toàn cờ đỏ xông ra chặn đường. Một tướng đi đầu mình cao bẩy thước, mắt nhỏ râu dài. Tướng ấy là ai? Tức là quan kỵ đô úy, người ở Tiêu quận nước Bái, họ Tào tên Tháo, tự là Mạnh Đức". La Quán Trung kể tiếp: Bấy giờ có người tên là Kiều Huyền bảo Tháo rằng:
- Thiên hạ sắp loạn, trừ phi có tay tài giỏi hơn đời thì mới mong dẹp được loạn. Làm được như thế chắc chỉ có bác.
Hà Ngung ở Nam Dương, một hôm trông thấy Tháo đi qua cũng tán tụng rằng:
- Nhà Hán sắp mất, yên được thiên hạ chỉ có người này!

Gian hùng mà không phải gian thần (bản dịch của Phan Kế Bính - Bùi Kỷ). Đó mới là lối miêu tả qua tướng mạo nhìn người của chính tác giả với nhân vật trung tâm của mình. Tuy thế, phải đến lúc mô tả lối hành xử khi đã cầm quân của họ Tào, ngòi bút của La Quán Trung mới thể hiện được một cách xuất sắc điều ông muốn nói.

Ngay từ khi mới ra làm quan, Tào Tháo nổi bật tính thanh liêm và luôn tôn trọng luật pháp với phương châm "luật pháp bất vị thân" nên rất được dân nể sợ. Là người hết sức coi trọng tài năng, bất kể "quý - tiện", Tào Tháo tỏ ra có quan điểm tiến bộ nhất trong đám quan lại hồi đó. Cũng chỉ một mình Tào Tháo xung phong vào cung hành thích tên gian tặc Đổng Trác, việc không thành, bỏ trốn bị Trần Cung bắt được, Tháo dõng dạc:
- Ông cha ta đời đời ăn lộc nhà Hán, nếu ta không nghĩ cách báo quốc, có khác chi giống muông thú. Nay việc không xong, cũng là lòng Trời!

Tào Tháo nổi bật nhất so với mọi tướng lĩnh cùng thời về cách hiểu và dùng người. Ông là người anh hùng nên cũng trọng người anh hùng và chuyện "Uống rượu luận anh hùng" của Tam Quốc chỉ là một ví dụ. Hết sức coi trọng tài năng và giữ tín nghĩa, đấy cũng là phẩm chất số một của họ Tào. Chả thế mà chưa có một tướng nào bỏ Tào Tháo mà đi. Hãy nghe Tào Hồng nói với ông khi thấy Tào Công chẳng muốn dùng ngựa của mình để chạy thoát thân lúc bị giặc vây hãm - "Ta chạy đi rồi giặc sẽ giết ngươi mất".
- Ông đi đi! Thiên hạ có thể không có tôi nhưng không thể không có ông!

Biết Quan Công là danh tướng, Tào Tháo đãi cực hậu: Thượng mã đề kim, hạ mã đề ngân (lên ngựa tặng vàng, xuống ngựa tặng bạc); năm ngày một tiệc lớn, ba ngày một tiệc nhỏ, đưa mười người thiếp để hầu hạ.

Biết Trương Phi tài giỏi, Tào Tháo bảo các tướng ghi tên Dực Đức vào vạt áo, sau gặp không được khinh địch. Thấy Tử Long xuất chúng, Tào Tháo sai Tào Hồng cầm lệnh tiễn phi ngựa xuống truyền các tướng sĩ không được bắn trộm, Tử Long cũng thoát hiểm từ đó...

Màn ảnh nhỏ mới đây đã cho người xem thấy rõ hơn về Tào Tháo. Ông ra đón Quan Công với con mắt thán phục sâu sắc, quỳ xuống đất vái kẻ hàng tướng. Trận Quan Độ, khi hai tướng của Viên Thiệu là Trương Cáp, Cao Lãm tới doanh trại, dù tả hữu khuyên nên đề phòng, Tào Tháo vẫn tự mình bước ra tận nơi vái chào. Có lẽ vì thế các tướng giỏi như Từ Hoảng, Trương Liêu, Hứa Chử, Trương Cáp... lần lượt về với Tào Tháo.

3. Đối với các quan văn, những mưu sĩ, tượng trưng cho trí tuệ của nghệ thuật quân sự Trung Hoa một thời, Tào Tháo bộc lộ sự trân trọng từ phía người trong cuộc. Trước tiên, chính ông cũng là một mưu sĩ cực giỏi. Tào Tháo tự đi tìm người hiền mà không như Lưu Bị phải "Tam cố thảo lư" để vời Khổng Minh theo giới thiệu của Tư Mã Huy, hay Tôn Quyền dùng Trương Chiêu theo lời ủy thác lúc lâm chung của anh là Tôn Sách và giới thiệu của Chu Du. Với chú cháu Tuân Du, Tuân Úc, với Trình Dục, Đổng Chiêu... đều như thế.

Chỉ cần một hồi, miêu tả trận đại chiến Quan Độ, người xem đã thấy rõ thế nào là lời khen tặng "Thừa tướng dụng binh như thần" của tướng lĩnh dành cho Tào Tháo.

Ông sáng suốt đã đành, nhưng cũng là người duy nhất ở Tam Quốc không bao giờ kết thúc trận đánh ngay sau khi còn có thể, dù chỉ là một hy vọng nhỏ, để chuyển bại thành thắng. Xem Tam Quốc, chỉ thấy mỗi Tào Tháo, trong tên đạn bời bời ở sông Vị, lửa thiêu thành Bộc Dương hay giữa lúc mất áo, trụi râu vẫn đủ sức chuyển bại thành thắng ngay trong khoảnh khắc bằng những quyết đoán sáng suốt. Vì thế, câu nói "Không ngờ lại mắc mưu Tào Tháo" chẳng phải của riêng một ai ở Tam Quốc.

Tháo không kịp xỏ giày, chân không ra đón Hứa Du, khóc tiễn Trần Cung, lưu luyến Thẩm Phối, Thư Thụ, tế lễ Điển Vi và cả khi tế Viên Thiệu. Tào Tháo dùng Trần Lâm mặc dù đó chính là người viết lời hịch sỉ nhục ba đời nhà mình. Trên đường đi đánh Viên Hy, Viên Thượng vẫn chăm sóc Quách Gia lâm bệnh, khi Hạ Hầu Đôn bị mất mắt đã vào tận giường hỏi thăm...

Tháo đặc biệt ghét bọn bán chúa cầu vinh mà việc chém Miêu Trạch là một ví dụ. Ở vào thời đại của mình, lịch sử đã ghi rằng ba cha con Tào Tháo, Tào Phi và Tào Thực đều là những nhà thơ có tên tuổi. Tào Tháo tinh thông cầm-kỳ-thi-họa, thơ phú ngay cả trong lúc gian nan, hài hước khi thua trận (đường Hoa Dung, Xích Bích), giỏi đàn nơi doanh trại. Tào Tháo là người sành kiến trúc: từ việc lớn như "duyệt" phương án xây đền Đồng Tước cho tới tiểu tiết về cái cổng của vườn hoa nơi chính điện. Đi đánh Mặc Đặc xa xôi, trên đường vẫn ghé lại thăm nhà cố sử gia Sái Ung rồi ra tận bia mộ đọc văn bia với một chi tiết cực kỳ sâu sắc của trí tuệ Tào Tháo, liệu đã có ai bằng?

http://www.3kingdoms.net/galleryaf/CaoCao08.jpg

(ảnh: Tào Tháo cùng Lưu Bị uống rượu luận anh hùng)

Xưa nay ai cũng hiểu rằng làm một người anh hùng thời loạn là việc cực kỳ khó.
Càng khó hơn, nếu người ấy vẫn giữ được thân và lại yên thiên hạ. Sách Tam Quốc kể rằng năm Kiến An thứ 15, mùa xuân, Tào Tháo ở Nghiệp Quận bày tiệc mừng đền Đồng Tước. Đêm ấy, các quan văn có tiếng trong triều như Trần Lâm, Vương Xán, Chung Do, Vương Lãng đã làm thơ để ca ngợi công đức Thừa tướng. Ông xem qua rồi trả lời bằng đoạn tự bạch nổi tiếng sau:

"Các ông văn hay, khen ta quá lời. Ta vốn là người ngu lâu, khi xưa may mà đỗ Hiếu Liêm. Sau gặp lúc thiên hạ đại loạn, có dựng cái nhà đọc sách cách phía Đông của Tiêu thành năm mươi dặm, lòng những muốn mùa xuân mùa hạ đọc sách, mùa thu mùa đông săn bắn, đợi thiên hạ thái bình mới ra làm quan. Không ngờ triều đình gọi ta ra, phong làm Điển quân Hiệu úy, ta mới đổi nguyện vọng xưa, quay ra giúp nước mong dẹp giặc lập công; chỉ mong sau khi chết đi, trên mộ được ghi mấy chữ "Đây là mộ Tào hầu, cố chinh Tây tướng quân" cũng đã là mãn nguyện. Ta vẫn còn nhớ đến lời đức Khổng Tử khen đức lớn của vua Văn Vương đời nhà Chu, lời xưa ta vẫn canh cánh bên lòng. Nhưng nếu lại muốn cho ta bỏ binh quyền tất sẽ bị kẻ khác hãm hại. Ta mà bị hại thì nhà nước tất sẽ lâm nguy. Bởi thế ta không thể mến cái tiếng hão để chuốc lấy vạ thật. Chắc các ông chưa ai hiểu hết bụng ta"...

Cách đây chừng ba chục năm, trên văn đàn Trung Quốc đã xuất hiện một khuynh hướng xem xét lại sự đánh giá với các nhân vật trong Tam Quốc. Theo đó, Lưu Bị vốn có đức nhưng kém tài, lại nhu nhược và giả dối. Khổng Minh tài năng siêu tuyệt, nhưng lại chỉ là nhân vật mang nét huyền thoại với tài hú gió gọi mưa, biết phép độn giáp dâng sao, biết chế ra trâu gỗ, ngựa máy và chính ông đã cùng Lưu Bị cố tình kéo dài cuộc nội chiến đẫm máu.

(ảnh: Tào Tháo cử Hạ-hầu Đôn, Nhạc Tiến, Lý Điển đi đánh Lưu Bị ở Tân dã.)

Chỉ có Tào Tháo với tài năng và cả những mặt hạn chế đã trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển của lịch sử Trung Hoa, đồng thời có nhiều công lao trong những cải cách xã hội cho đất Trung nguyên vào thời ấy. Được biết, khuynh hướng nói trên đã được cố nhà văn Quách Mạt Nhược ủng hộ và đề cao. Phải chăng vì thế, bộ phim "Tam Quốc diễn nghĩa" mà chúng ta đã xem là một tác phẩm điện ảnh với những sáng tạo mới xuất sắc tiếp theo.

Nguyễn Lưu (Báo An ninh thế giới)

Sunday, May 4, 2008

Perseverance, Persistance and Determination

"Our greatest weakness lies in giving up.
The most certain way to succeed is always to try just one more time."
Thomas A. Edison

People have always known that persistence and perseverance are a key ingredient in success. Hence the old saying "If at first you don't succeed, try, try again".

And recent psychological research has backed this up. Studies of successful entrepreneurs show that the millionaires in this world possess a tremendous level of perseverance - they stick at it not just when the going gets tough, but even when others tell them to stop.

"Patience and tenacity of purpose
are worth more than twice their weight of cleverness."
Thomas Henry Huxley

Single mindedness, determination, dedication, self-belief and the inability to ever give in are what distinguish people who do great things with their lives from those whose dreams die with them. When you have great perseverance you take into account what others say but you don't let it rule you. You remain true to your vision.


Life's a struggle and no question, and without perseverance it's easy to give up on one's dreams and ambitions. Even if it weren't a struggle, the modern expectation of instant results can lead people to question the value of effort and determination. As a result, they achieve much less than they are capable of.

Một chiều ngược gió Thơ   »   Việt Nam   »   Hiện đại   »   Bùi Sim Sim   Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh Ngược phố tan tầm, ngược chi...